Nhà trọ, nhà đi thuê không phải nhà mình, vậy có cần lập bát hương và thờ cúng hay không? Nếu có thì thờ cúng thế nào cho đúng? là điều không phải ai cũng hiểu hết.
Có nên thờ cúng ở nhà trọ, nhà thuê không?
Sinh viên ở các địa phương về thành phố học, tất nhiên phải tìm phòng cho thuê giá rẻ. Nông dân các nơi về thành phố mưu sinh, thuê nhà trọ. Các cặp vợ chồng mới xây dựng gia đình cần có tổ ấm riêng nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để mua căn hộ, phương án tốt nhất là thuê nhà. Rồi kể cả nhiều người có điều kiện nhưng chưa ổn định cuộc sống, họ cũng thuê nhà cho chủ động để khi nhảy việc thì lại thuê chỗ khác gần nơi làm việc cho thuận tiện… Không ít bạn trẻ thậm chí còn thích thuê hơn mua nhà, vì được trải nghiệm nhiều không gian sống hơn, không thích lại thay đổi chứ không muốn trói buộc vào một nơi cố định đến… chung thân. Vì vậy, thuê nhà dần dần đã và đang trở thành xu hướng mang tính phổ biến.
Nhưng những người đi thuê nhà luôn có một mối băn khoăn: Vậy ở nhà thuê có cần và có nên lập ban thờ để thờ cúng thần linh, tổ tiên hay không? Và nếu thờ cúng thì có gì khác với việc thờ cúng ở ngôi nhà thuộc sở hữu của mình? Rất nhiều người đã hỏi tôi về vấn đề này, và câu trả lời ở đây là: Thờ cũng tốt mà không thờ cũng… chẳng sao.
Tại sao lại như vậy?
-
Chủ nhà thờ rồi, không bắt buộc người thuê nhà phải thờ cúng…
Đây là tâm lý của khá nhiều người khi ở trọ hay thuê nhà. Quan điểm của những người này là, nhà và đất là của chủ nhà, mà chủ nhà nào cũng đều lập ban thờ để cúng Thần linh, Thổ địa ở đất đó rồi. Người thuê nhà chỉ sống ở đó
trong thời gian nhất định, thậm chí mang tính tạm bợ, nên không cần thờ cúng ở nơi sống tạm đó. Mặt khác, chủ nhà thờ Thần linh, Thổ địa rồi, mình cũng thờ nữa thì hóa ra có hai Thần linh sao? Còn nếu thờ gia tiên thì liệu ông bà mình có vào được nhà mà thực chất là của người khác để hưởng đăng trà quả thực không, hay lại bị Thần linh chặn ở cửa?
Điều đó cũng không sai. Tuy nhiên, ở đây cần phải phân biệt các hình thức nhà trọ, nhà thuê một cách cụ thể chứ không thể gộp tất cả vào một dạng được.
Dạng thứ nhất là nhiều người cùng thuê và ở chung một căn phòng, chúng tôi tạm gọi là ở trọ. Căn phòng đó chủ yếu chỉ là để ngủ chứ không có các không gian riêng.
Chẳng hạn nhiều người ở nông thôn lên thành phố làm nghề tự do như lượm ve chai, đồng nát, bán hàng rong, xe ôm, đánh giày… Những người này thường thuê chung một phòng, trong phòng thường kê những tấm phản liền nhau làm chỗ ngủ. Ngày đi làm, đến bữa ăn cơm bụi, chỉ tối mới về đánh một giấc rồi sáng mai lại dậy đi làm.
Các sinh viên ở ký túc xá hay thuê nhà trọ cũng gần giống như thế. Khác chăng là nhiều ký túc xá hay các phòng trọ tư nhân hiện nay cũng có công trình phụ khép kín.
Trong những trường hợp trên thì không thờ cúng tại nơi trọ cũng không sao. Lý do bởi vì dạng cư ngụ này giống như ở tập thể, mỗi người chỉ sử dụng một không gian nhỏ để ngủ; còn chủ nhà vẫn cai quản cả ngôi nhà hay cả khu nhà trọ đó và đã có ban thờ để thờ cúng Thần linh, Thổ địa… rồi. Hơn nữa, người ở trọ có muốn thờ cúng cũng khó vì không gian chật hẹp, tìm được nơi đặt ban thờ phù hợp không phải là điều đơn giản. Mặt khác, nếu thờ gia tiên thì mỗi người một gia đình, dòng họ khác nhau, chả lẽ thờ gia tiên… chung, hay mỗi người lại lập một bát hương riêng? Ở ký túc xá lại càng khó hơn vì mỗi trường có quy chế quản lý riêng, có nơi còn cấm hương khói trong phòng.
-
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…
Dạng thứ hai là thuê nhà, ở trọ nhưng không gian sống mang tính độc lập hay tương đối độc lập, chúng tôi gọi chung là thuê nhà, thì lại khác một chút. Đó là những người thuê cả một ngôi nhà độc lập, thậm chí là hai ba tầng, hay thuê hẳn một căn hộ riêng biệt…; tóm lại là thuê những không gian sống riêng biệt. Trường hợp này thì lại nên và cần phải thờ cúng.
Bởi vì, quan niệm của người Á Đông là đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, nếu là thuê ngôi nhà riêng biệt thì việc thờ cúng Thần linh, Thổ địa ở mảnh đất ấy là đương nhiên. Trường hợp thuê căn hộ thì với không gian khép kín, trong đó có bếp thì đương nhiên có Táo quân cai quản việc bếp núc. Cho dù hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc Ông Công và Ông Táo là một hay là hai, nhưng cho dù là với quan điểm nào thì đó đều là các vị Thần linh, vì vậy việc thờ cúng là theo đúng phong tục truyền thống và để được Thần linh che chở, phù hộ.
Còn về việc thờ gia tiên, ở đây thông thường có hai trường hợp. Thứ nhất, nếu là một gia đình thuê một ngôi nhà độc lập hay căn hộ khép kín, riêng biệt (dù là có đầy đủ vợ chồng, con cái hay chỉ là người độc thân thì đó vẫn là một gia đình) thì việc thờ gia tiên là phải đạo, vì ai cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên có người lại cho rằng, việc thờ gia tiên là trách nhiệm của người con trưởng, còn con thứ thì không phải thờ. Điều đó hoàn toàn sai trái, vì cha mẹ là cha mẹ chung; việc thờ cúng là để nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục, hướng về cội nguồn và mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Hơn nữa, cha ông ta đã dạy: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nếu thành tâm thờ cúng sẽ được âm phúc, tổ tiên che chở, phù hộ…
Còn vấn đề Thần linh ngăn cản thì không cần phải lo lắng. Nếu khi dọn về nhà thuê, ta làm lễ nhập trạch đầy đủ, báo cáo và xin Thần linh cho phép thỉnh gia tiên về thờ cúng thì đương nhiên là đã “nhập hộ khẩu” rồi, gia tiên sẽ được vào nhà hưởng đăng trà quả thực và ban lộc cho con cháu. Lễ nhập trạch này rất đơn giản, chỉ cần 1 bếp ga du lịch, 1 ấm đun nước, 3 hũ nhỏ muối, gạo, nước và hoa quả, bánh trái, nếu có đĩa xôi, khoanh giò càng tốt. Khi làm lễ, bật bếp đun nước để sôi rồi lên hương, khấn Thần linh trước, khấn gia tiên sau… là được.
Trường hợp thứ hai, vài ba người độc thân thuê chung một căn hộ khép kín thì cũng vẫn nên lập ban thờ, nhưng trên ban thờ chỉ có một bát hương thờ Thần linh, Thổ địa mà không thờ gia tiên, và thành tâm cúng hương hoa vào ngày rằm, mồng một là được.
Ngay như khi nhiều người thuê chung một phòng, ở theo dạng tập thể, không có không gian riêng, hoặc sinh viên thuê chung phòng trọ hay ở ký túc xá, nếu điều kiện cho phép, có thể lập ban thờ đơn giản với 1 bát hương Thần linh, Thổ địa cũng tốt.
Tóm lại, việc thờ cúng ở nhà trọ hay nhà thuê nếu điều kiện cho phép thì nên làm. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, điều kiện cụ thể mà có những hình thức phù hợp, có thể đơn giản hóa chứ không câu nệ nhất thiết phải thực hiện đầy đủ như ở nhà riêng mà ta là chủ nhà.
Về hình thức thì thông thường ban thờ có 3 bát hương, bát hương thờ Thần linh to hơn đặt ở giữa, bên trái từ ngoài nhìn vào là bát hương thờ bà cô tổ và bên phải là bát hương thờ gia tiên. Trường hợp căn phòng quá hẹp, có thể chọn bát hương nhỏ nhưng không nên gộp làm 1 bát hương thờ chung. Còn trường hợp nhiều người ở chung một phòng có thể thờ 1 bát hương, nhưng đó là bát hương thờ Thần linh chứ không phải là thờ gộp Thần linh với bà cô tổ và gia tiên.
Ở nhà trọ có cần cúng nhập trạch
Trước khi tiến hành thờ cúng ở phòng trọ, bạn cần phải tiến hành làm lễ nhập trạch. Theo quan niệm của một số người, việc làm lễ nhập trạch khi ở nhà thuê, phòng trọ là điều hoàn toàn không cần thiết vì đó không phải là nhà của mình. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Vì ý nghĩa của lễ nhập trạch là một hình thức thể hiện sự ra mắt, xin phép thần linh gia hộ tại nơi ở mới, dù không phải là nhà của mình, những việc để “bề trên” trông giữ căn nhà biết đến bản thân mình sẽ giúp gia chủ tránh được sự quấy phá của các nguồn khí xấu xung quanh.
Đối với những ai đang ở trọ hoặc thuê nhà, việc làm lễ nhập trạch cũng đơn giản hơn rất nhiều, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, việc làm lễ nhập trạch ở phòng trọ, nhà tọ không tốn quá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo cuộc sống của bạn tốt hơn.
-
Cách làm lễ nhập trạch khi thuê nhà, phòng trọ
Không như làm lễ nhập trạch ở mặt đất hoặc đối với gia chủ sở hữu ngôi nhà, nhập trạch ở phòng trọ đơn giản hơn rất nhiều, bạn chỉ cần 1 bếp gas mini, 1 ấm nước, 3 hũ nhỏ muối, gạo, nước và ít hoa quả, trái cây là được. Ý nghĩa của các đồ thờ cúng này chính là mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy và được “bề trên” phù hộ, mang đến may mắn, thịnh vượng.
Cách lập bàn thờ ở nhà trọ, phòng trọ
Sau khi bạn tiến hành xong lễ nhập trạch ở nhà trọ, việc thờ cúng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Trong trường hợp bạn muốn thờ ông bà, tổ tiên, bạn cần tiến hành lễ “xin phép” đối với các vị thần đang canh giữ và phù hộ căn nhà, sau đó mới có thể “thỉnh” tổ tiên về được.
Trong trường hợp bạn muốn thờ Phật, thần tài, ông địa, mỗi vị thần mà bạn muốn thờ sẽ có sự khác biệt nhất định.
-
Ở phòng trọ nên thờ gì?
Tùy thuộc vào mục đích của mỗi người khác nhau mà bàn thờ ở phòng trọ, nhà thuê cũng khác nhau. Để có thể trả lời cho câu hỏi “Ở trọ nên lập bàn thờ gì?”, cần phải làm rõ mong muốn của bản thân cũng như tín ngưỡng, truyền thống của gia đình bạn. Dựa vào đó mới có thể xác định được bàn thờ phù hợp với bạn nhất.
-
Ở nhà trọ có nên thờ thần tài?
Thờ thần tài thường được nhiều người lựa chọn ở phòng trọ, nhà trọ với mong muốn đem lại may mắn, thành công và tài lộc tới cho bản thân. Để có thể thờ Thần tài ở nhà trọ, phòng trọ một cách tốt nhất, bạn nên lưu ý đến những yếu tố sau:
- Trước khi “thỉnh” Thần tài về phòng trọ, bạn nên lau, rửa tượng Thần tài bằng nước lá bưởi cho sạch sẽ.
- Vào những ngày quan trọng như trước rằm, trước mùng 1 hoặc vào mùng 10 tháng giêng nên lau bàn thờ bằng nước hoa bưởi để thanh tẩy bàn thờ.
- Nên lựa chọn hoa cúc, hoa đồng tiền hoặc hoa hồng để cúng Thần tài.
- Phía sau lưng Thần tài nên là vách tường vững chãi, trước mặt phải thoáng đãng, không bày bừa các đồ vật linh tinh.
- Lưu ý hướng đặt bàn thờ Thần tài phải dựa theo các hướng tốt của gia chủ.
Việc thờ cúng ở nhà thuê, nhà trọ có phần đơn giản hơn so với căn nhà thuộc sở hữu của gia chủ, vì các bước thờ cúng đã được giản lược hơn rất nhiều, nhưng vẫn phải chú ý để có thể đảm bảo được yếu tố phong thủy bàn thờ khi thuê trọ một cách tốt nhất.
Đối với những căn hộ có diện tích bé, dưới 15m2, cần phải lưu ý việc thờ Thần tài sao cho vừa đảm bảo được yếu tố linh thiêng của bàn thờ, đồng thời không tốn quá nhiều diện tích trong căn phòng.
-
Ở nhà trọ có nên thờ ông Địa không?
Trong trường hợp ngôi nhà, căn phòng bạn đang thuê là ở tầng 1, bạn hoàn toàn có thể thờ Ông Địa với mong muốn phù hộ, bảo vệ gia đình của bản thân. Tuy nhiên. Trước khi bạn thờ ông Địa, bạn nên tìm hiểu người chủ cho bạn thuê nhà có thờ ông Địa không, nếu có, bạn không thể tiếp tục “thỉnh” thêm ông Địa về nhà thuê, nếu không sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đến với chính bản thân và chủ nhà cho bạn thuê trọ. Vì vậy, trước khi thờ ông Địa ở nhà thuê, phòng trọ, bạn cần phải bàn bạc trước với chủ nhà để tránh việc xung khắc lẫn nhau.
-
Có nên thờ tượng phật khi ở nhà thuê, nhà trọ hay không?
Việc thờ tượng Phật, Bồ-tát là nhu cầu rất chính đáng và nên làm, vừa phù hộ cho bản thân, lại vừa có thể mang lại bình yên trong cuộc sống xô bồ hiện nay. Tuy nhiên, việc thờ Phật tỏng phòng trọ lại không hề dễ dàng, vì yêu cầu yếu tố trang nghiêm, tậm linh rất cao.
Đối với gia chủ là thuê nhà riêng, căn hộ chung cư mini (diện tích > 30m2), các không gian sống trong căn phòng được phân tách rõ ràng, việc thờ cúng tượng Phật, Bồ-tát là hoàn toàn có thể làm được.
Còn đối với gia chủ đang sinh sống tại những căn hộ có diện tích khá nhỏ, các khu vực chức năng ăn - ngủ - nghỉ không được phân tách rõ ràng, việc kiến tạo không gian cho việc thờ cúng không hề dễ dàng, bởi vì không đủ sự thanh tịnh và trang nghiêm cần có, gây hao tổn phước đức của bản thân gia chủ. Trong trường hợp trên, các Phật tử ở nước ngoài (như Nhật Bản, Đài Loan) đã có cách thờ Phật khác nhau sao cho vừa thể hiện được tín ngưỡng tâm linh của bản thân, mà không gây ra quá nhiều ảnh hưởng tới không gian chật hẹp của căn phòng.
Cách thờ Phật đối với những căn phòng trọ, nhà thuê có diện tích bé chính là thiết kế một hình ảnh chánh điện, có Phật, Bồ-tát cùng với hương, hoa, trà, quả đầy đủ, sau đó lưu vào máy tính hay điện thoại di động. Như vậy, đến thời gian muốn hành lễ, gia chủ chỉ cần mở màn hình điện thoại hoặc máy tính là được. Trước mặt là hình Phật, gia chủ hoàn toàn có thể quán tưởng như đang ngồi trước điện, có thể lễ bái, tụng niệm như bình thường. Sau khi thực hiện xong lễ, bạn chỉ cần khóa lễ lễ lại, tắt màn hình là có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt khác trong căn phòng như bình thường.
“Tu tại tâm”, việc lập bàn thờ Phật, Bồ-tát trong nhà phải đảm bảo được yếu tố thuận tiện trong cuộc sống mới phù hợp, còn nếu không, việc thờ cúng ở nhà thuê, phòng trọ sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi trong thời gian dài. Chỉ cần trong lòng bạn có Phật, việc thờ cúng tại nhà trọ sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Như vậy, qua bài viết này, hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về việc thờ cúng ở nhà thuê cũng như cách lập bàn thờ ở phòng trọ một cách chuẩn xác nhất.
Tuy nhiên, bài viết trên đây chỉ mang yếu tố tham khảo, quan trọng nhất vẫn là chính bản thân của bạn. Chỉ cần bạn sống tốt, tự khắc cả thế giới sẽ đối tốt với bạn. Còn nếu như bạn làm điều xấu, thì “nhân nào quả nấy”, dù bạn có thờ ai đi chăng nữa cũng không thể phù hộ mãi cho bản thân bạn và gia đình được.
Cùng Thuenhatro.net cập nhật thường xuyên kinh nghiệm về thuê và cho thuê nhà trọ bạn nhé.
(Theo Reatimes.vn & Chothuephongtrore.com)